Nông dân đổi đời nhờ thay đổi tư duy sản xuất
Chị Trương Thị Hương (xã Hưng Hà, Tân Hưng, Long An) đã từng vào Đồng Tháp Mười khai hoang sản xuất với 2 bàn tay trắng. Bây giờ, chị Hương đã có đến 70ha đất trồng lúa, thu lời 1,5 tỷ đồng/năm. Nữ nông dân vùng biên này là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Đổi đời nhờ thay đổi tư duy làm ăn
Chị Hương cho biết chị từ TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) vào khu vực Đồng Tháp Mười (Long An) sinh sống hơn 20 năm trước, đúng vào năm cơn lũ năm 2000 ngập đến đầu người. Ban đầu, chị Hương mua 1ha đất rồi xắn tay trồng lúa. Cứ thế chị tích tụ dần đến khi có hàng chục ha đất.
Từ ngày có hàng chục ha đất trong tay, chị Hương đã thay đổi cách thức trồng lúa từ truyền thống sang cơ giới hóa, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Hoàn toàn các khâu sản xuất lúa trong mùa vụ được chị Hương cơ giới hóa. Bản thân chị Hương từ trực tiếp trồng lúa chuyển sang làm quản lý sản xuất.
"Tôi không thể trực tiếp ra đồng sản xuất như trước mà chuyển sang làm quản lý, ra kế hoạch để nhân công sản xuất mỗi vụ mùa vì diện tích trồng lúa quá lớn", chị Hương tâm sự.
Theo đó, 50ha đất trồng lúa sẽ được lên kế hoạch trồng trước khi vụ lúa bắt đầu. Từng thời điểm trong vụ mùa sẽ được các dịch vụ nông nghiệp thực hiện đúng quy trình như cày xới đất, cung cấp giống, phân, thuốc; máy bay không người lái phun, xịt phân thuốc; máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa…
Tại ấp Cây Sao (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) thời gian gần đây đã xuất hiện trại trồng nấm với diện tích 5.000m2, với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Chủ của trại là anh Lê Thanh Nhàn. Không bằng lòng với thu nhập từ cây lúa, anh Nhàn đã đăng ký khóa học ngắn hạn về trồng nấm ăn và nấm dược liệu tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Vừa học, anh vừa mua nguyên, vật liệu về thử nghiệm tạo phôi và trồng nấm. Năm 2017, anh Nhàn bắt đầu sản xuất phôi giống đại trà bán cho khách hàng ở các tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp...
"Trồng nấm bào ngư không tốn nhiều diện tích. Tuy nhiên, người trồng phải tuân thủ đúng kỹ thuật từ khâu xây dựng trại, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Muốn nấm phát triển tốt, người trồng phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, nhất là khâu tưới nước. Ngoài ra, trồng nấm theo hướng hữu cơ tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, sử dụng nguyên liệu tạo phôi giống từ cám gạo, cám bắp; đồng thời diệt các loại côn trùng, sâu bọ chủ yếu bằng các loại tinh dầu", anh Nhàn chia sẻ.
Từ thành công với nấm bào ngư, anh trồng thêm nấm linh chi, mộc nhĩ (nấm mèo) và đông trùng hạ thảo. Đặc biệt, đông trùng hạ thảo được anh bỏ ra nhiều tâm huyết và có hiệu quả trong thời gian gần đây. Loại nấm này sấy khô có giá 200.000 đồng/kg, nấm linh chi sấy khô có giá 900.000 đồng/kg, nấm bào ngư tươi chỉ vài chục ngàn đồng/kg.
Trại nấm của anh Nhàn hiện có 4 sản phẩm nấm bào ngư, linh chi, mộc nhĩ và đông trùng hạ thảo đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trong năm 2023. Mỗi năm, anh Nhàn có doanh thu hàng trăm triệu đồng từ kinh doanh các loại nấm này.
Tăng cường thay đổi tư duy sản xuất
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, những năm qua tỉnh tập trung các giải pháp để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp cho nông dân. Tỉnh xác định việc chuyển đổi tư duy này là việc chung của cả hệ thống chính trị, chứ không phải việc riêng của ngành nông nghiệp, bởi vì thay đổi một nếp nghĩ, hình thành một tư duy mới đòi hỏi sự chuyển động đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi nông dân, bởi họ chính là chủ thể, người trực tiếp hằng ngày sản xuất, kinh doanh nông sản. Nhưng muốn thực hiện được vai trò chủ thể, tương xứng, nông dân cần được nâng cao năng lực thông qua "tri thức hoá". Vì vậy, các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện hỗ trợ đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Long An đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung theo các quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; tập trung xây dựng chuỗi liên kết tăng giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đạt chứng nhận xuất khẩu, như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ... theo yêu cầu thị trường.
Cũng theo Sở NN&PTNT, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực dạy nghề vùng nông thôn, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp của thanh niên nông thôn… Tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp từ bị động sang chủ động; từ thiếu sự kết nối thông tin sang kết nối, chia sẻ thông tin qua hệ thống dữ liệu số; từ sự "mù mờ" về thông tin sang minh bạch và dễ dàng tiếp cận thông tin nhằm hạn chế sự bất cân xứng thông tin thị trường, kết nối cung - cầu chưa chặt chẽ dẫn đến điệp khúc "được mùa rớt giá" hay việc "giải cứu nông sản"…
Với phương châm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", có thể thấy rằng tỉnh Long An đang từng bước đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận cho nông dân để tạo ra nhiều không gian phát triển mới, những giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp chính là cơ sở để thực hiện hiệu quả chiến lược xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Có như vậy, nông dân mới có thể tự tin vào năng lực của mình để đứng vững trước cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
0 nhận xét